Vai trò của chế độ ăn uống khi đau đầu sau sinh
Đau đầu sau sinh nên ăn gì là thắc mắc thường gặp ở nhiều mẹ sau sinh. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường có tỷ lệ mắc đau đầu cao hơn nam giới. Trong đó, phụ nữ sau sinh là đối tượng rất dễ mắc phải chứng đau nửa đầu do thay đổi nội tiết tố, thiếu máu, lo âu, căng thẳng, thiếu ngủ, tác dụng phụ của thuốc, tiền sử bệnh lý, sự phát triển của gốc tự do, chế độ ăn uống chưa phù hợp…
Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân chính kích hoạt hoặc làm tăng nguy cơ đau đầu ở phụ nữ sau sinh, hoặc khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Những yếu tố như không cung cấp đủ nước, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, đường huyết không ổn định… có thể gây ra những tác động xấu, khiến cơn đau đầu trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, bên cạnh nghỉ ngơi điều độ và đi khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ (nếu có), để kiểm soát tình trạng đau đầu hoặc đau nửa đầu, mẹ bỉm nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tập trung vào các nhóm dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe và não bộ, bao gồm: carbs, protein, chất béo tốt, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Đau đầu sau sinh nên ăn gì?
Nếu đau đầu không phải do tình trạng bệnh lý cụ thể, thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh xây dựng chế độ nghỉ ngơi, vận động và thực đơn phù hợp nhằm góp phần cải thiện tình trạng bệnh lý. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho sức khỏe và não bộ mà mẹ bỉm có thể cân nhắc lựa chọn:
1. Thực phẩm bổ sung nước
Mất nước là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ sau sinh bị đau nhức đầu. Nước là thành phần quan trọng đối với sức khỏe tổng thể vì tất cả các cơ quan trong cơ thể đều cần nước để duy trì hoạt động thường ngày. Để duy trì đủ nước cho các tế bào thần kinh, chị em cần uống đủ nước và ưu tiên các thực phẩm nhiều nước như dưa hấu, nho, dâu, cam, rau bina, bông cải xanh, cà rốt, củ cải… trong chế độ ăn hàng ngày.
2. Carbohydrate phức hợp
Đau đầu sau sinh nên ăn gì để bổ sung carbohydrate (Carbs) phức hợp? Carbs là dưỡng chất thiết yếu trong chế độ ăn khoa học giúp cung cấp năng lượng, hỗ trợ chức năng não bộ và nhiều hoạt động khác của cơ thể. Khi thiếu hụt hoặc lượng carbohydrate không ổn định có thể gây nên tình trạng hạ đường huyết, dẫn đến sự xuất hiện của các cơn đau đầu.
Phụ nữ sau sinh cần bổ sung nguồn carbs phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại đậu nguyên hạt… nhằm tăng lượng glycogen dự trữ trong não, tránh tình trạng hạ đường huyết đột ngột, hỗ trợ kiểm soát đau đầu sau sinh.
3. Protein nạc
Protein nạc là một phần thiết yếu trong chế độ ăn hàng ngày để bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể, từ đó cải thiện đau đầu do nguyên nhân thiếu hụt dưỡng chất. Một số thực phẩm giàu protein nạc như thịt ức gà bỏ da, trứng, thịt bò nạc, sữa ít béo…
4. Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng chất béo tốt, đặc biệt là axit béo omega-3 trong khẩu phần ăn có thể giúp cải thiện chứng đau nửa đầu. Do đó, nếu chưa biết đau đầu sau sinh nên ăn gì thì nhóm thực phẩm giàu omega-3 như cá thu, cá hồi, hạt và các loại đậu là một trong những gợi ý cho chị em.
5. Đau đầu sau sinh nên ăn thực phẩm giàu magie
Thiếu hụt magie trong mô và máu có thể gây nên tình trạng đau nhức đầu. Lúc này, bổ sung magie qua các thực phẩm như chuối, bơ, đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt… có thể hỗ trợ làm giãn mạch máu, giúp hạn chế tình trạng đau đầu sau sinh.
6. Kết hợp thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Như đã đề cập, đau đầu sau sinh có thể đến từ việc các gốc tự do phát triển hoặc do viêm. Để giúp chống oxy hóa, giảm viêm và bảo vệ tế bào, chị em cần tích cực bổ sung vitamin A, vitamin C, vitamin E, selen, lutein… từ các thực phẩm như sữa, trứng, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, cà chua…
Đau đầu sau sinh kiêng ăn gì?
Người bị đau đầu sau sinh cần hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các nhóm thực phẩm có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng như viêm, mất nước, đau nhức đầu hoặc nửa đầu như:
- Thực phẩm chế biến sẵn: Các món như gà rán, khoai tây chiên, thịt cá hộp… thường chứa nhiều đường hoặc muối, gây tình trạng tăng giảm đường huyết hoặc huyết áp đột ngột, gây nên các cơn đau nhức đầu cho phụ nữ sau sinh.
- Thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia: Đau đầu sau sinh nên ăn gì, chất phụ gia có tốt không? Các chất phụ gia như aspartame hay nitrit đóng vai trò tăng hương vị hoặc giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn nhưng chứa nhiều chất hóa học khác nhau. Nếu tiêu thụ nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ, làm trầm trọng hơn tình trạng đau đầu.
- Rượu bia: Sau khi uống, chất độc trong rượu bia sẽ thẩm thấu và tấn công cơ thể, gây viêm và mất nước, tăng mức độ đau đầu. Do đó, mẹ sau sinh không nên tiêu thụ rượu bia hoặc các loại đồ uống có cồn. (4)
- Thực phẩm giàu histamine: Histamine là một trong những chất có liên quan đến phản ứng sốc phản vệ, viêm, dị ứng, dẫn truyền thần kinh, bài tiết dịch vị. Histamin có thể tồn tại trong một số loại hải sản không được bảo quản tốt, thực phẩm lên men, một số loại hạt… Nếu tiêu thụ quá nhiều histamin, có thể gây tác động tiêu cực đến sự giãn nở của mạch máu, huyết áp, nhịp tim, phế quản và một số vấn đề khác. Đây là nguyên nhân gây ra các cơn đau đầu, khó chịu kèm theo tình trạng khó thở.
- Thực phẩm chứa tyramine: Đau đầu sau sinh nên ăn gì, có nên ăn thực phẩm chứa tyramine không? Tyramine là một loại axit amin được tìm thấy rất nhiều trong nhóm thực phẩm được chế biến theo phương thức ủ muối hoặc lên men như rượu vang đỏ, phô mai lên men, bia, socola… Với người đang trong tình trạng đau đầu, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa tyramine có thể gây kích thích sự co giãn của mạch máu, tăng nguy cơ đau đầu.
- Thực phẩm giàu nitrat: Bên cạnh nitri thì nitrat cũng là một chất bảo quản được tìm thấy ở các thực phẩm chế biến sẵn như thịt cá hộp, xúc xích, thịt ủ muối, thịt xông khói… Hợp chất này có khả năng làm giãn nở mạch máu và gây đau đầu ở phụ nữ sau sinh.
- Caffeine: Caffeine thường được dùng để giúp tỉnh táo, tập trung hơn. Việc bổ sung một lượng thích hợp caffeine từ cà phê, trà, socola hoặc một số thực phẩm khác có thể giúp cải thiện tình trạng giãn nở mạch máu, hỗ trợ giảm đau đầu. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây mất ngủ, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức đầu. Để đảm bảo an toàn, chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về lượng caffeine phù hợp với thể trạng của bản thân.
Nguồn: https://tamanhhospital.vn/