1. HPV lây truyền như thế nào?
Virus sinh u nhú ở người (HPV) rất dễ lây lan. Con đường lây lan của HPV là do tiếp xúc trực tiếp da với da thay vì lây truyền qua các chất dịch cơ thể như tinh dịch hay nước bọt. Các đường có thể lây nhiễm HPV gồm:
- Đường quan hệ tình dục: HPV rất dễ lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn tiếp xúc sinh dục qua âm đạo, hậu môn, miệng. Tình trạng lây nhiễm cũng có thể xảy ra nếu HPV tiếp xúc với màng nhầy (ở môi, miệng, hậu môn, cơ quan sinh dục)
- Lây truyền từ mẹ sang con: Nguy cơ lây truyền virus HPV từ mẹ cho con là rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Khi trẻ sơ sinh bị nhiễm HPV, cơ thể bé vẫn có khả năng tự loại bỏ virus này. Hầu hết trẻ được sinh ra từ người mẹ bị mụn cóc ở bộ phận sinh dục đều không có các biến chứng về sức khỏe liên quan đến HPV
- Đường ngoài sinh dục: mắc phải tại bệnh viện do vệ sinh kém (găng tay làm siêu âm qua âm đạo)
Đa số các trường hợp lây nhiễm HPV là đến từ quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp tiếp xúc khác ngoài quan hệ tình dục có thể gây ra nhiễm trùng HPV.
2. Không quan hệ tình dục thường xuyên liệu có nguy cơ nhiễm HPV không?
HPV có thể “ngủ đông” trong vài năm sau khi người bệnh bị nhiễm và không có bất cứ triệu chứng nào xuất hiện. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm, HPV có thể tái hoạt dù không quan hệ tình dục thường xuyên và không có những yếu tố nguy cơ khác.
Như vậy, nguy cơ nhiễm HPV liên quan mật thiết đến đời sống tình dục của bệnh nhân trong nhiều năm tích lũy chứ không chỉ là thời điểm hiện tại.
3. HPV tiến triển thành ung thư cổ tử cung như thế nào?
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV, cơ thể sẽ có cơ chế tự đào thải. Tuy nhiên, nếu nhiễm dai dẳng 1 số chủng HPV có nguy cơ cao, sẽ có khả năng tiến triển thành các căn bệnh như ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý đường sinh dục khác.
Ước tính khoảng thời gian từ lúc nhiễm HPV đến khi tiến triển thành ung thư cổ tử cung là 15-20 năm đối với những người có hệ miễn dịch bình thường. Tuy nhiên nếu hệ miễn dịch bị suy giảm, thời gian này có thể rút ngắn chỉ còn 5-10 năm.
Ung thư cổ tử cung có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh thường không xảy ra đột ngột mà diễn tiến âm thầm, kéo dài. Các triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh phụ khoa khác nên nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và có nguy cơ tử vong cao.
4. Cần làm gì để không bị nhiễm HPV?
- Tiêm vacxin: được xem là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Vacxin được khuyến cáo tiêm cho người từ độ tuổi 11 đến 26 tuổi.
- Quan hệ tình dục an toàn: dùng bao cao su đúng cách giúp giảm nguy cơ bị nhiễm HPV. Tuy nhiên, HPV cũng có thể đi vào cơ quan sinh dục ở những vùng bao cao su không che phủ. Vậy nên việc dùng bao cao su có thể giảm nguy cơ bị bệnh nhưng không thể triệt để.
- Duy trì mối quan hệ tình dục lành mạnh: mối quan hệ một vợ-một chồng và hạn chế tối đa số lượng bạn tình cũng là cách phòng tránh HPV tốt.
Để phát hiện sớm để điều trị kịp thời, khi bệnh do nhiễm HPV chưa tiến triển nặng, WHO đã đưa ra khuyến cáo tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV bắt đầu từ tuổi 30 ở phụ nữ và sàng lọc định kỳ mỗi 5 đến 10 năm sau đó. Hãy tham gia tầm soát ở các cơ sở, trung tâm y tế uy tín để phát hiện bệnh sớm và đẩy lùi căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục này nhé.