CEO Công ty Tường Việt được đề nghị giảm 3-4 năm tù
Đối với bị cáo Dương Tấn Trước, CEO Công ty Tường Việt, VKS cũng đề nghị tòa giảm án từ 11 năm xuống 7-8 năm tù về tội Tham ô tài sản.
VKS ghi nhận tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trước đã khắc phục toàn bộ nghĩa vụ dân sự, lần đầu phạm tội, có nhiều hoạt động từ thiện đóng góp cho xã hội...
Ông Trước bị xác định giúp bà Lan chiếm đoạt của 4.752 tỷ đồng của SCB và gây thiệt hại 605 tỷ, thông qua hai khoản vay khống. Trong đó, khoản vay 3.500 tỷ của Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh liên quan đến việc mua dự án Thanh Yến của bà Lan. Tuy nhiên, ông Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn khống giúp bà Lan đảo nợ. Do ông Trước không thụ hưởng số tiền này nên không có nghĩa vụ khắc phục.
Ngoài ra, bị cáo còn giúp bà Lan một số việc khác như xin cấp giấy phép xây dựng siêu dự án Mũi Đèn Đỏ và Sài Gòn Bình An, nên bà Lan "trả công" 1.500 tỷ đồng thông qua hợp đồng vay, giải ngân cho Công ty Tường Việt. Công ty Việt Đức (thuộc nhóm Tường Việt) còn vay 248,5 tỷ đồng của SCB. Như vậy, thông qua hai khoản vay, các bị cáo đã rút của SCB 1.748,5 tỷ đồng.
Đến ngày 17/10/2022 (Bộ Công an khởi tố vụ án), ông Trước và Tường Việt đã tất toán hơn 813 tỷ đối với số tiền 1.500 tỷ đồng được bà Lan trả thông qua các khoản vay tại SCB. Ngoài ra, quá trình làm ăn, ông Trước còn nhận của bà Lan hơn 2.697 tỷ đồng, đã đưa lại 492,5 tỷ đồng (thông qua Trương Huệ Vân, cháu bà Lan), hiện còn hơn 2.204 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm hồi tháng 4 tuyên phạt ông Trước 11 năm tù về tội Tham ô tài sản, buộc bồi thường 692 tỷ đồng cho SCB (sau khi trừ đi 813 tỷ đã trả) và hoàn trả cho bà Lan 2.204 tỷ đồng đã nhận qua các giao dịch dân sự.
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa.
Tương tự bà Trương Mỹ Lan, một số bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp cao của SCB và Vạn Thịnh Phát được giảm nhẹ một phần hình phạt về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB được đề nghị giảm xuống 15-16 năm.
Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) được đề nghị giảm từ 9 năm xuống 7-8 năm tù; Trương Huệ Vân giảm từ 17 năm xuống 14-15 năm tù.
Theo VKS, bị cáo Cơ đã ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông, biên bản họp HĐQT Công ty Times Square để thế chấp tài sản của Công ty Times Square bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay, giúp sức bà Lan gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng. Tại phiên phúc thẩm, ông Cơ thay đổi kháng cáo toàn bộ bản án sang xin giảm nhẹ hình phạt; khắc phục thêm một phần hậu quả, có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội... nên có căn cứ để giảm nhẹ.
Một số bị cáo nguyên là cán bộ đoàn thanh tra cũng được đề nghị giảm từ 6 tháng đến 1 năm tù; 3 bị cáo được đề nghị giảm xuống 3 năm tù cho hưởng án treo.
Chiều nay tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Bị cáo Trương Huệ Vân tại tòa phúc thẩm.
Là người giữ vai trò cầm đầu trong vụ án, bà Trương Mỹ Lan được VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại... đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; y án tử hình đối với tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Các cơ quan tố tụng xác định, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.
Nguồn: https://vnexpress.net/