1. Chuẩn bị kế hoạch sinh con chu đáo
Để hành trình chào đón thiên thần của bạn chào đời chu đáo nhất, bạn nên xây dựng kế hoạch sinh nở thật chi tiết. Bảng kế hoạch này có thể bao gồm bạn muốn sinh con ở đâu, sinh mổ hay sinh thường, ai sẽ chăm sóc trong và sau khi sinh, cần chăm sóc bản thân và em bé như thế nào mới đúng cách...
Bên cạnh bảng kế hoạch sinh chính, bạn cũng nên có một phương án dự trù để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nếu có những thay đổi bất ngờ.
2. Đăng ký tham gia lớp học tiền sản
Rất nhiều phụ huynh bỏ qua việc tham gia lớp học tiền sản vì cho rằng không cần thiết, tuy nhiên đây lại là một điều quan trọng giúp cha mẹ có thêm kiến thức để hỗ trợ quá trình vượt cạn và nuôi con dễ dàng hơn.
Tại lớp học tiền sản, bạn sẽ được truyền đạt kinh nghiệm về các cơn chuyển dạ, hướng dẫn cách thở khi sinh, nhận biết khi nào cần nhập viện... Khi đã nắm được những kiến thức cơ bản, mẹ bầu sẽ giảm bớt nỗi lo, từ đó trang bị thêm kiến thức kỹ càng và chuẩn bị tâm lý trước khi sinh thật thoải mái để đón chào em bé trong niềm hân hoan. Không chỉ mẹ cần tham gia lớp học mà cha cũng nên tham gia để biết cách hỗ trợ và chăm sóc vợ con trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản.
3. Thường xuyên thăm khám cuối thai kỳ
Thông thường, trong quá trình mang thai, bạn sẽ được bác sĩ khám theo định kỳ để theo dõi quá trình phát triển thai nhi cũng như xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường.
Nếu trong thời gian mang thai, thai phụ bị mắc các bệnh như huyết áp cao, đái tháo đường… hoặc thai nhi tiềm ẩn nhiều rủi ro, tần suất khám có thể diễn ra thường xuyên hơn (1 lần/tuần hoặc 3 - 5 ngày/lần) trong 3 tháng cuối. Do đó, thai phụ nên thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của bác sĩ, mẹ cũng nên “lắng nghe” con nhiều hơn và báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện dấu hiệu bất thường.
4. Tăng cường dinh dưỡng cho thai phụ
Khi mang thai, nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của mẹ sẽ cao hơn bình thường để nuôi dưỡng thai nhi lớn lên khỏe mạnh. Vậy nên, chế độ dinh dưỡng cho thai phụ cũng cần được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và xây dựng một cách khoa học.
Trong thai kỳ, thai phụ cần cân đối các nhóm chất dinh dưỡng như chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Việc bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất là điều tiên quyết giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao. Theo đó, mẹ nên bổ sung:
-
Canxi: Không chỉ giúp xương chắc khỏe, canxi còn giúp hệ thống tuần hoàn, cơ bắp, thần kinh của mẹ và thai nhi được hoạt động bình thường. Các thực phẩm nhiều canxi mà mẹ nên ăn gồm bông cải xanh, nước ép trái cây, ngũ cốc, sữa...
-
Acid Folic: Mẹ nên uống bổ sung viên Acid Folic để ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Bên cạnh đó, mẹ có thể ăn thêm các thực phẩm giàu Acid Folic gồm rau chân vịt, quả bơ, sữa và các thực phẩm từ sữa...
-
Protein: Giúp phát triển não, mô và cơ quan em bé tốt hơn, đồng thời hỗ trợ phát triển mô vú và tử cung của mẹ trong thai kỳ cũng như tăng nguồn cung cấp máu cho thai nhi. Các loại thực phẩm chứa nhiều protein gồm thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại hạt, đậu hoặc sản phẩm làm từ đậu nành...
-
Vitamin D: Hỗ trợ phát triển xương cho thai nhi cũng như ngừa nguy cơ bị tiền sản giật ở mẹ. Các thực phẩm như cá hồi, sữa, nước cam... là thực phẩm có lượng Vitamin D dồi dào.
-
Sắt: Thai phụ cần bổ sung 1000 mg sắt/ngày để tăng lượng máu lên 50% giúp nuôi dưỡng thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 36,5% và 71,8% trong số đó là do thiếu sắt. Vì vậy, mẹ nên bổ sung sắt thông qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, rau muống, củ dền và nước trái cây nhiều vitamin C...
5. Kiểm soát cân nặng mẹ bầu
Một điều cực quan trọng lúc trong quá trình chuẩn bị trước khi sinh đó là duy trì cân nặng ổn định. Lý do là vì nếu giữ được mức cân nặng theo khuyến cáo sẽ giúp chị em phòng tránh được các nguy cơ bệnh lý trong thai kỳ và giúp hành trình sinh nở dễ dàng hơn.
Mức tăng cân khuyến nghị dành cho thai phụ là:
-
Với mẹ bầu thiếu cân (BMI < 18,5): nên tăng từ 13 – 18kg.
-
Với mẹ bầu có cân nặng bình thường (BMI từ 18,5 – 22,9): tăng từ 11 – 16kg.
-
Với mẹ bầu thừa cân (BMI từ 23 – 29,9): nên tăng khoảng 7 – 11kg.
-
Với mẹ bầu béo phì (BMI > 30): chỉ nên tăng từ 5 – 9kg.
6. Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), phụ nữ mang thai nên tập thể dục thường xuyên đều đặn mỗi ngày kể cả trước, trong và sau khi sinh em bé. Ngoài giúp duy trì cân nặng, việc tập thể dục cũng khiến mẹ giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong lúc thai kỳ, cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tiền sản giật, giúp máu lưu thông tốt tránh khỏi tình trạng đau lưng, mệt mỏi cũng như giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
Theo đó, bạn nên chọn các hình thức vận động phù hợp với tuổi thai và thể trạng, không nên quá cố sức sẽ khiến mẹ mệt mỏi và dẫn đến động thai. Thời gian cho một buổi tập thường kéo dài từ 20 - 30 phút/ngày và nên tập đều đặn mỗi ngày. Một vài bài tập thể dục phù hợp với phụ nữ mang thai là đi bộ, tập yoga (động tác chọn lọc phù hợp), đạp xe, bơi lội... Đồng thời, thai phụ nên tránh các bộ môn thể thao có thể gây va chạm, té ngã như bóng đá, bóng chuyền, trượt tuyết, lướt ván, leo núi...
7. Đếm cử động thai
Chắc hẳn với những người mẹ, việc cảm nhận được cử động của thai nhi bên trong mình là niềm hạnh phúc vô bờ. Bên cạnh hạnh phúc, mẹ cũng có thể đếm cử động thai để cùng bác sĩ theo dõi quá trình phát triển của bé yêu đấy.
Cử động thai là những lần thai nhi đạp hoặc xoay người mà mẹ có thể cảm nhận được trên thành bụng. Theo đó, những cử động đầu tiên xuất hiện khi thai đủ 18 - 20 tuần. Từ tuần thai 28 trở đi, mẹ có thể lựa chọn thời gian cố định để đếm cử động thai mỗi ngày. Thời gian thuận tiện để đếm cử động thai là lúc bé đang thức hoặc khi mẹ đã ăn no.
Theo đó, thai phụ có thể đếm cử động thai (khi bé đá, đạp, cuộn tròn nhưng không phải nấc cụt) bằng cách:
-
Đếm số lần thai nhi cử động trong 1 giờ. Một thai nhi khỏe mạnh sẽ có tần suất cử động từ 4 lần trở lên. Nếu bé cử động ít hơn 4 lần/giờ, bạn có thể thay đổi tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng 1 bên và theo dõi trong 1 giờ tiếp theo.
-
Trong 2 giờ thường sẽ có từ 7 cử động thai trở lên, nếu ít hơn, bạn nên lắc bụng, đi ăn hoặc tiếp tục thay đổi tư thế rồi đếm lại.
-
Nếu có ít hơn 10 cử động thai trong 4 giờ, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đánh giá sức khỏe thai nhi.
8. Sẵn sàng tâm lý trước đi sinh
Việc chuẩn bị tâm lý trước khi sinh cũng vô cùng quan trọng, giúp bạn không cảm thấy quá lo lắng và đau đớn, nhất là với những bà mẹ sinh con đầu lòng.
Những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện từ lúc sắp sinh đến khi chuyển dạ có thể kéo dài từ 12 - 24 giờ đối với mẹ lần đầu sinh con và rút ngắn còn 8 - 10 giờ với những lần sinh sau. Khi cơn co thắt tử cung bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy đau và tê tại vùng bụng dưới. Lúc này, việc căng cứng cơ thể chỉ khiến bạn chú ý hơn đến những cơn đau, dẫn đến mệt mỏi và hơi thở trở nên khó khăn. Thay vào đó, bạn cần chuẩn bị tâm lý và bình tĩnh hít thở đều cũng như thư giãn cơ thể, quên đi cơn đau bằng cách đi bộ hoặc đi tắm.
9. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé
Từ tuần thai thứ 34, cha mẹ nên bắt đầu tính chuyện chuẩn bị đồ dùng cho mẹ và bé. Với những mẹ sinh con đầu lòng, khi chuyển dạ, cơn đau cùng sự bỡ ngỡ có thể làm mẹ chuẩn bị thiếu sót những vật dụng cần thiết, gây ảnh hưởng đến quá trình vượt cạn. Vậy nên việc chuẩn bị đầy đủ trước khi sinh cũng là một điều cha mẹ nên lưu ý.
Theo đó, trong giỏ đồ đi sinh, ngoài các vật dụng cá nhân cho bé như tã, giấy, khăn... mẹ cũng nên chuẩn bị thêm trang phục cho mẹ để phòng trường hợp bị dơ lúc sinh, tất cả các giấy tờ cần thiết, tiền mặt, máy ảnh... Khi bé về nhà, cha mẹ cần chuẩn bị sẵn nôi, chậu tắm bé sơ sinh, máy hút sữa, quần áo em bé...
10. Nghiên cứu chính sách thai sản của công ty
Một điều vô cùng quan trọng mà rất nhiều người bỏ qua là nghiên cứu chính sách thai sản của công ty trước khi bắt đầu kỳ nghỉ sinh. Với chính sách này, bạn có thể biết được thời gian nghỉ, mức lương thực nhận, thủ tục nhận tiền thai sản. Không chỉ mẹ mà cha cũng được hưởng chế độ thai sản (nghỉ khoảng từ 5 - 14 ngày) để chăm vợ con trong những ngày đầu mới sinh. Việc tìm hiểu chính sách công ty sẽ giúp bạn có được kế hoạch hậu sản chu đáo hơn.
11. Đặt tên cho con
Với bậc làm cha mẹ, đặt tên con là điều thiêng liêng vì nó thể hiện ước mong, lời chúc phúc của cha mẹ dành cho con cái. Chắc hẳn từ lúc mang thai, cha mẹ đã nghĩ ra vô số cái tên ý nghĩa cho thiên thần nhỏ. Bạn có thể tìm kiếm trên internet hoặc tham khảo gia đình nội ngoại 2 bên để được tư vấn thêm nếu còn băn khoăn.
12. Tìm hiểu cách chăm sóc sức khỏe mẹ & bé
Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé vô cùng quan trọng, đặc biệt là thời kỳ hậu sản - giai đoạn mà sức khỏe mẹ và bé vẫn còn yếu. Đây là giai đoạn mẹ dễ mắc các biến chứng hậu sản như bế sản dịch, nhiễm khuẩn tầng sinh môn, viêm tĩnh mạch... Vì thế cả thai phụ và người thân đều cần trang bị kiến thức chăm sóc để phòng tránh biến chứng về sau. Theo đó, mẹ nên được nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc quá sức, tập thể dục nhẹ nhàng và có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất...
13. Xây dựng nền tảng tài chính, cho con sự chuẩn bị tốt nhất
Bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng mong con có một tương lai tươi sáng và thoải mái. Vậy nên rất nhiều phụ huynh đầu tư cho con ngay khi còn nhỏ, thậm chí là trong lúc mang thai. Hiện nay, giải pháp được nhiều ông bố bà mẹ lựa chọn để chuẩn bị kế hoạch tài chính vững vàng cho tương lai của con đó là tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Nguồn: https://www.prudential.com.vn/