Sự “mất giá” của cuộc sống đời thường
Hồi nhỏ, bạn có thể say sưa ngắm nhìn một bông hoa nở, hay thơ thẩn chơi bắt bướm trong sân nhà mãi không biết chán. Nhưng giờ lớn lên, bạn thấy nó… nhạt, chẳng vui tí nào nữa. Bạn không còn tìm thấy niềm vui trong các hoạt động hàng ngày.
Hiện tượng này được nhà tâm lý học Abraham Maslow gọi là “sự mất giá của cuộc sống đời thường”. Nó xảy ra một phần do ở tuổi trưởng thành, bạn tiếp xúc nhiều hơn với mạng xã hội, đồ ăn nhanh, mua sắm hay chất kích thích. Chúng mang lại trải nghiệm mới lạ cùng rất nhiều dopamine, khiến não bạn bị kích thích quá độ, trở nên “chai lì” về mặt cảm giác.
Ví dụ một người từng dùng chất kích thích, đã biết cảm giác “high” là thế nào thì việc đi dạo trong vườn không thể khiến họ hưng phấn được. Họ phải nhận được một kích thích tương đương thì mới thấy “high” trở lại.
Điều tương tự cũng xảy ra khi ta không còn thấy háo hức trong các hoạt động đời thường. Giờ đây, ta cần những cách giải trí cầu kì hơn, đòi hỏi nhiều “chất kích thích” hơn như đi ăn, đi shopping hay “xách balo đi trốn” mới thấy vui. Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến anhedonia - chứng bệnh khiến bạn mất khả năng cảm nhận niềm vui.
Cùng một khung cảnh ấy, nhưng lớn lên, ta bỗng thấy nó… nhạt chứ không còn vui nữa.
Chúng ta càng lớn, càng khó kết bạn
Càng lớn lên, các mối quan hệ ngoài phạm vi gia đình càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã giao con người. Chẳng hạn khi ở tuổi dậy thì, ta sẵn sàng “cãi” lại bố mẹ để được cắt tóc mái, sơn móng tay… vì chúng khiến ta được bạn bè cùng trang lứa chấp thuận. Vì vậy có thể nói, các mối quan hệ bạn bè chiếm phần quan trọng trong nguồn vui của chúng ta.
Nhưng trớ trêu thay, việc kết bạn khi trưởng thành không đơn giản. Trong một khảo sát do Survey Center on American Life thực hiện, tới 40% người tham gia không hề có bạn thân. Theo chuyên gia tâm lý Frederick Smith, một phần nguyên nhân đến từ bản chất môi trường sống của người trưởng thành.
Cụ thể, chúng ta khó tìm thấy những mối quan hệ thân thiết trong môi trường công sở - nơi ít nhiều tồn tại sự xung đột về lợi ích giữa các cá nhân. Ở môi trường như vậy, ta luôn phải cảnh giác, khó có thể mở lòng. Chúng ta cũng phải tập trung hơn cho công việc và gia đình, do đó ít thời gian để giao lưu và xây dựng tình bạn bên ngoài.
Bên cạnh đó, những tình bạn cũ của ta trước đây có thể phai nhạt dần do khoảng cách địa lý hay ít tương tác. Việc mất đi những tình bạn cũ, trong khi không kết thêm được bạn mới khiến ta lún sâu hơn vào trạng thái cô đơn và bất an, ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận niềm vui trong cuộc sống.
Chúng ta biết sợ hãi & lo âu nhiều hơn
Trong Inside Out 2, Riley vốn rất thích chơi khúc côn cầu trên băng. Nhưng cô bé vẫn bị lo âu khi tham gia thi đấu ở trại hè, bởi cô biết những gì mình thể hiện sẽ bị người khác nhìn và đánh giá. Đây là khả năng tự nhận thức, giúp Riley nhìn nhận vị trí của mình trong mối quan hệ với thầy cô và bạn bè xung quanh.
Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta. Bạn có thể rất thích hát, nhưng vẫn run cầm cập khi tham gia cuộc thi hát chuyên nghiệp. Bạn có thể sáng tạo, nhưng đi pitch trước khách hàng thì vẫn toát mồ hôi. Bởi giờ đây định nghĩa “thành công” của bạn không chỉ là ý tưởng được khen, mà còn phải bán được cho khách.
Theo chuyên gia tâm thần học Rajeev Krishnadas, cơ chế này liên quan đến vỏ não trước trán (prefrontal cortex) và hạch hạnh nhân (amygdala) - 2 bộ phận phụ trách việc học hỏi và ghi nhớ của não. Sau vài lần bị phê bình, hạch hạnh nhân “mã hóa” việc hát hay thuyết trình là hành vi có tiềm năng gây cảm xúc tiêu cực. Hệ quả là sự lo âu được kích hoạt để bảo vệ bạn, dù đó vốn là việc bạn thích làm.
Vậy là theo thời gian và độ phức tạp của các tương tác xã hội, ta dần dần “học” cách sợ hãi, lo âu trước những điều tưởng chừng chẳng thể làm khó mình trước đây. Điều này phần nào giải thích vì sao Lo âu (Anxiety) chỉ xuất hiện khi Riley đạt tới một độ tuổi nhất định.
Liệu có cách nào giúp ta duy trì niềm vui?
Cuộc sống người trưởng thành vốn phức tạp, nhiều lo toan và kích thích khắp nơi. Dù vậy, trong khi tìm ra niềm vui tiếp theo của cuộc đời, bạn có thể thực hành những việc sau:
Tâm niệm rằng không điều gì là vĩnh viễn
Đây chính là cách thực hành lòng biết ơn được Abraham Maslow đề xuất. Mọi thứ bạn đang có ở hiện tại, bao gồm cả gia đình hay bạn bè đều sẽ tới lúc rời khỏi bạn. Chẳng hạn ngày nào bạn cũng ăn cơm tối với ông bà, cha mẹ. Nhưng chắc chắn tới khi họ qua đời, bạn sẽ không còn được ăn những bữa cơm như vậy nữa.
Khi nhận ra điều này, bạn sẽ học cách trân trọng hơn những gì mình đang có, bao gồm các hoạt động thường ngày. Lẽ dĩ nhiên bạn sẽ không được kích thích nhiều như khi đi shopping hay du lịch, nhưng sẽ tận hưởng và thấy chúng ý nghĩa hơn rất nhiều.
Ghi nhận mọi cảm xúc xảy ra
Trước một sự kiện, bạn không nên phủ nhận các cảm xúc tiêu cực, bởi đây là con đường ngắn nhất dẫn đến cạm bẫy tích cực độc hại. Bên cạnh đó, bạn cũng tránh dán nhãn các cảm xúc của mình là “tốt” hay “xấu”, mà chỉ tâm niệm đơn giản rằng chúng đã xảy ra.
Một cách đơn giản giúp bạn ghi nhận các cảm xúc của mình là viết chúng ra giấy, note vào điện thoại hoặc nói to ra và ghi âm lại (nếu điều kiện cho phép). Việc gọi tên cảm xúc cũng góp phần quan trọng trong việc giúp bạn nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
Nguồn: https://vietcetera.com/