Tổng quan bệnh Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý ngày càng nhận được sự quan tâm trong thời gian gần đây, trong đó các mô đáng lẽ phát triển trong tử cung lại được tìm thấy ở các bộ phận khác trên cơ thể. Những mô này có thể có đáp ứng hoặc có chức năng khác so với mô phát triển trong tử cung. Đa số các trường hợp lạc nội mạc tử cung được phát hiện ra ở vùng chậu:
-
Buồng trứng
-
Ống dẫn trứng
-
Mặt sau của tử cung
-
Trên mô nâng đỡ tử cung
-
Ở đường tiêu hoá dưới hoặc bàng quang
Lạc nội mạc tử cung liên quan đến buồng trứng sẽ hình thành u lạc nội mạc tử cung. Thậm chí ở một số trường hợp hiếm gặp, lạc nội mạc tử cung có thể được phát hiện ở ngoài vùng chậu như ở phổi, não hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
Ước tính trên thế giới có 6-10% phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn do có một số lượng lớn phụ nữ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.
Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra 2 biến chứng quan trọng là vô sinh và ung thư. Đây đều là 2 biến chứng nguy hiểm, vì vậy có rất nhiều ý kiến quan tâm đến việc lạc nội mạc tử cung có chữa được không. Rất may mắn là hiện tại đã có nhiều phương pháp hiệu quả đề điều trị bệnh lý này
Nguyên nhân bệnh Lạc nội mạc tử cung
Mặc dù cho đến nay, nguyên nhân của bệnh không rõ ràng, vẫn có một số cơ chế được xem xét và đề cập:
-
Kinh nguyệt bị trào ngược: khi đó các tế bào nội mạc tử cung có trong dòng máu kinh nguyệt sẽ chảy ngược lên ống dẫn trứng và khu vực chậu thay vì thoát ra ngoài cơ thể. Những tế bào lạc chỗ này dính vào thành khu vực chậu và bề mặt của các cơ quan trong khu vực chậu, nơi chúng sẽ tiếp tục phát triển, dày lên và chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt
-
Sự biến đổi của tế bào phúc mạc: điều này được nhắc đến trong “thuyết cảm ứng”, các nhà khoa học cho rằng hormon hoặc các yếu tố miễn dịch thúc đẩy quá trình biến đổi của tế bào phúc mạc thành tế bào nội mạc tử cung
-
Sự biến đổi của tế bào phôi: các loại hormon như estrogen có thể biến đổi tế bào phôi thai thành tế bào tử nội mạc tử cung trong quá trình dậy thì
-
Sẹo để lại do phẫu thuật: sau một số loại phẫu thuật như phẫu thuật cắt tử cung, tế bào nội mạc tử cung có thể dính lên vết mổ
-
Tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển: các mạch máu hoặc dịch của mô có thể làm các tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển đến các phần khác của cơ thể.
-
Bất thường về hệ miễn dịch: bất thường trong hệ miễn dịch có thể làm cơ thể không phát hiện và không phá huỷ các mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.
Triệu chứng bệnh Lạc nội mạc tử cung
Triệu chứng ban đầu của lạc nội mạc tử cung là đau ở vùng chậu, thường trong giai đoạn hành kinh. Cơn đau này có xu hướng tăng dần theo thời gian.
Các triệu chứng thông thường của lạc nội mạc tử cung bao gồm:
-
Đau trong giai đoạn hành kinh: đau vùng chậu có thể bắt đầu sớm hơn và kéo dài sau khi kết thúc hành kinh. Bệnh nhân có thể đau vùng bụng và phía dưới lưng
-
Đau khi giao hợp: đau trong quá trình hoặc sau giao hợp rất phổ biến trong bệnh lạc nội mạc tử cung
-
Đau khi di chuyển hoặc đi tiểu
-
Chảy máu ồ ạt: bệnh nhân có thể chảy máu ồ ạt khi hành kinh hoặc giữa các chu kỳ hành kinh
-
Vô sinh
-
Một số các biểu hiện và triệu chứng khác như mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn...diễn ra trong suốt đợt hành kinh.
Lạc nội mạc tử cung có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác gây ra triệu chứng đau vùng chậu như viêm vùng chậu, u buồng trứng. Bệnh lý này cũng có thể bị nhầm với hội chứng ruột kích thích, bệnh với các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng. Hội chứng ruột kích thích cũng có thể đi kèm với lạc nội mạc tử cung, khiến việc chẩn đoán trở nên phức tạp hơn.
Các biến chứng của lạc nội mạc tử cung:
-
Vô sinh: đây là biến chứng chính của bệnh. Khoảng 1/3 phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung gặp khó khăn để mang thai. Lạc nội mạc tử cung ngăn không cho trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh, ngoài ra còn có thể phá hủy trứng hoặc tinh trùng. Tuy nhiên có những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ đến vừa vẫn có thể mang thai, nên bác sĩ vẫn tư vấn các bệnh nhân lạc nội mạc tử cung không nên trì hoãn việc có con, vì các triệu chứng có thể nặng lên theo thời gian
-
Ung thư: mặc dù hiếm gặp nhưng lạc nội mạc tử cung có thể gây ra ung thư buồng trứng hoặc u lạc nội mạc tử cung.
Đối tượng nguy cơ bệnh Lạc nội mạc tử cung
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một phụ nữ có nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung cao hơn khi:
-
Chưa sinh con
-
Có mẹ, chị/em gái, con gái mắc bệnh
-
Có kinh nguyệt sớm (trước 11 tuổi)
-
Mãn kinh muộn
-
Chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày)
-
Chảy máu nhiều và kéo dài hơn 7 ngày trong chu kỳ kinh nguyệt
-
Nồng độ estrogen trong cơ thể cao
-
Chỉ số BMI thấp
-
Bất kì nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt không thoát ra ngoài cơ thể được
-
Bất thường trong hệ thống cơ quan sinh sản
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn:
-
Có kinh nguyệt muộn
-
Tập thể dục đều đặn trên 4 tiếng mỗi tuần
-
Tỉ lệ mỡ cơ thể thấp
Phòng ngừa bệnh Lạc nội mạc tử cung
Mặc dù không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn lạc nội mạc tử cung, phụ nữ vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh như:
-
Tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tỉ lệ mỡ cơ thể
-
Tránh đồ uống có cồn
-
Khám sức khỏe tổng thể thường xuyên để phát hiện các bất thường
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lạc nội mạc tử cung
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân mô tả triệu chứng, bao gồm vị trí và thời điểm bị đau. Ngoài ra bác sĩ sẽ thực hiện một số kĩ thuật khác để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung như:
-
Khám vùng chậu: bác sĩ sẽ dùng tay để kiểm tra các bất thường ở vùng chậu, như khối u ở bộ phận sinh dục hoặc các vết sẹo nếu có.
-
Siêu âm: có 2 cách siêu âm là siêu âm ổ bụng và siêu âm đầu dò. Cả 2 phương pháp siêu âm đều cung cấp hình ảnh của hệ sinh dục và có thể phát hiện u lạc nội mạc tử cung
-
Chụp MRI
-
Nội soi kết hợp với sinh thiết để chẩn đoán vị trí, tính chất lạc nội mạc tử cung, ngoài ra còn có thể điều trị bệnh kết hợp với chẩn đoán.
Các biện pháp điều trị bệnh Lạc nội mạc tử cung
Điều trị lạc nội mạc tử cung thường phối hợp cả 2 biện pháp là dùng thuốc và phẫu thuật. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và mong muốn có thai của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp phù hợp. Thông thường bác sĩ thường tư vấn phương pháp điều trị bảo tồn trước, sau đó mới đến phẫu thuật.
-
Ngoài thuốc giảm đau, liệu pháp hormon có thể giảm hoặc làm mất triệu chứng đau của lạc nội mạc tử cung. Liệu pháp bổ sung hormon giúp giảm sự giao động nồng độ hormon trong máu trong suốt một chu kỳ kinh nguyệt, từ đó làm chậm sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên liệu pháp hormon không điều trị dứt điểm lạc nội mạc tử cung. Khi ngừng sử dụng, các triệu chứng lạc nội mạc tử cung có thể sẽ quay lại.
-
Điều trị bảo tồn: nếu bệnh nhân lạc nội mạc tử cung muốn mang thai, phẫu thuật để cắt bỏ phần lạc nội mạc tử cung và bảo tồn tử cung và buồng trứng sẽ làm tăng tỷ lệ thành công. Ngoài ra phẫu thuật bảo tồn còn có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật thông thường cho bệnh nhân.
-
Điều trị vô sinh: bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân
Nguồn: https://www.vinmec.com/