Tử cung nhi hóa là gì?
Tử cung nhi hóa hay tử cung nhi tính là tình trạng mà vì một lý do nào đó mà tử cung của phụ nữ trong độ tuổi sinh nở không lớn lên được, kích thước vẫn nhỏ như của bé gái.
Tử cung (còn gọi là dạ con) là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của người phụ nữ. Đây chính là cơ quan tạo kinh nguyệt và là nơi làm tổ của thai nhi sau khi trứng của người nữ thụ tinh với tinh trùng của người nam. Tử cung có hình dạng quả lê ngược, ở phụ nữ trưởng thành tử cung có đường kính trước sau (DAP) khoảng 35-45mm. Theo thống kê, đây là bệnh lý hiếm gặp chỉ xảy ra ở dưới 5% phụ nữ.
Nguyên nhân của tình trạng nhi hóa tử cung
Bác sĩ cho biết, bình thường bé gái đến tuổi dậy thì dưới tác động của nội tiết tố sẽ giúp các cơ quan sinh dục phát triển lớn lên để trở thành người phụ nữ, đặc biệt là tử cung giúp tạo ra kinh nguyệt và là nơi làm tổ của thai nhi.
Để có thể bắt đầu hành trình mang thai và sinh nở đón nhận thiên chức làm mẹ thiêng liêng, người phụ nữ phải có tử cung đường kính trước sau (DAP) từ 35-45mm. Trong khi đó, tử cung phát triển là nhờ vào hormone estrogen và progesterone, ngoài ra còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng thai nghén.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà người phụ nữ không có estrogen và progesterone trong cơ thể nên tử cung không lớn lên được, kích thước vẫn nhỏ như tử cung của bé gái. Hoặc vì một lý do nào đó bé gái khi sinh ra đã có khiếm khuyết tử cung khiến tử cung bất thường. Trường hợp này thường do tác động của các yếu tố bất lợi lên cơ thể bà bầu.
Giới tính ở thai nhi bắt đầu hình thành trong vòng vài tuần sau khi thụ thai. Trong thời gian này người phụ nữ chưa biết việc mang thai nếu có thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng thuốc hoặc mắc bệnh truyền nhiễm có thể gây ra những tác động tiêu cực làm rối loạn quá trình hình thành giới tính ở thai nhi.
Tất cả những điều này khiến tử cung không thể thực hiện được chức năng của mình, nghĩa là không thể tạo ra kinh nguyệt và không thể trở thành nơi làm tổ và nuôi dưỡng thai nhi. Phụ nữ có tử cung nhi hóa sẽ gặp khó khăn trong việc đón nhận thiên chức làm mẹ, thậm chí là không còn khả năng sinh sản.
Chia sẻ thêm về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhi hóa tử cung, bác sĩ Nguyên cho biết thường gặp nhất là do suy giảm nội tiết tố dưới mức nhu cầu cần thiết của cơ thể hoặc phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng do khối u hay suy buồng trứng sớm.
Hội chứng suy buồng trứng sớm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến yếu tố di truyền, nếu thiếu hoặc thừa một nhiễm sắc thể X hoặc có tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể khác sẽ dẫn đến rối loạn buồng trứng.
Hệ miễn dịch bị rối loạn cũng có thể tấn công các cơ quan thay vì ngăn cản các tác nhân gây bệnh bên ngoài và gây hại cho buồng trứng. Ngoài ra, việc hóa xạ trị, phẫu thuật hoặc có nhiễm trùng đường sinh dục cũng có thể phá hỏng cấu trúc của buồng trứng.
Nguyên nhân ít gặp hơn là do bất thường bẩm sinh khiến phụ nữ không có tử cung hoặc tử cung kích thước nhỏ, thường gặp trong hội chứng Rokitansky – Kuster – Hauser. Hội chứng này chỉ những người phụ nữ có hai buồng trứng, âm hộ bình thường nhưng không có tử cung, không có âm đạo do bất thường ống Muller.
Dấu hiệu tử cung nhi hóa
Những chị em không có kinh nguyệt từ nhỏ hay kinh nguyệt rất ít, không đều, kinh thưa hoặc không có thai sau khi lập gia đình 1 năm mà không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào có thể nghĩ đến tình huống tử cung nhi hóa.
Thông thường, những trường hợp phụ nữ trưởng thành có tử cung nhưng tử cung không phát triển, đường kính trước sau (DAP) dưới 30mm vẫn có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Chỉ những trường hợp vốn không có tử cung bẩm sinh mới bị vô kinh nguyên phát.
Do đó, khi nhận thấy triệu chứng nghi ngờ này, chị em nên sắp xếp đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ uy tín để được thăm khám và thực hiện các kiểm tra cần thiết, xác định chắc chắn có phải bị nhi hóa tử cung không hay vấn đề sức khỏe nào khác.
Chị em không có tin vui sau khi lập gia đình 1 năm nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân có phải tử cung nhi hóa không
Tử cung nhi hóa có nguy hiểm không?
Như đã chia sẻ, tử cung là cơ quan sinh sản quan trọng nhất, là nơi tạo ra kinh nguyệt và là nơi làm tổ, nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Do đó, bất kỳ bất thường nào ở tử cung đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Nghiên cứu cho thấy, khả năng mang thai tự nhiên ở phụ nữ bị tử cung nhi hóa là rất thấp, nhiều trường hợp bị vô sinh hiếm muộn phải nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại. Tuy nhiên, khả năng mang thai tự nhiên rất thấp không đồng nghĩa là không có. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị hiệu quả, nhiều chị em bị nhi hóa tử cung vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh bình thường.
Chẩn đoán tử cung nhi hóa như thế nào?
Để có thể đánh giá chính xác hơn về tình trạng tử cung của người phụ nữ trưởng thành, đầu tiên bác sĩ sẽ khám phụ khoa gồm âm hộ, âm đạo, tử cung và hai phần phụ xem có bất thường hay không. Tiếp đến, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết để tăng kết quả chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Kiểm tra nội tiết tố, xác định nồng độ các hormone sinh dục trong cơ thể.
- Kiểm tra chức năng hormone tuyến giáp.
- Siêu âm quan sát hình dáng, quan sát vị trí tử cung và đo đường kính trước sau.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra chi tiết các cơ quan vùng chậu.
- Chụp cản quang buồng trứng đánh giá sự thông thoáng của hai vòi trứng và buồng tử cung.
Tử cung nhi hóa có chữa được không?
Bác sĩ Nguyên chia sẻ, tử cung nhi hóa vẫn có thể được điều trị hiệu quả giúp người phụ nữ mang thai và sinh con khỏe mạnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Phụ thuộc vào kích thước tử cung cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, đối với những trường hợp có tử cung nhưng kích thước tử cung nhỏ, kết quả xét nghiệm nội tiết tố giảm, bác sĩ có thể hướng dẫn chị em sử dụng thuốc nội tiết gồm estrogen và progesterone trong vòng 3-6 tháng. Đồng thời kết hợp theo dõi sát sao sự phát triển của tử cung, cũng như theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Với những chị em đã cắt bỏ buồng trứng hoặc suy buồng trứng sớm, cần phải sử dụng thuốc nội tiết lâu dài. Tuy nhiên những trường hợp này muốn mang thai phải cần đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại để tạo phôi thai, sau đó sẽ cấy phôi thai vào tử cung để nuôi dưỡng thai nhi.
Trường hợp phụ nữ có bất thường tử cung bẩm sinh như tử cung kích thước rất nhỏ hoặc không có tử cung sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm nhiễm sắc thể. Tùy vào mức độ và từng trường hợp cụ thể có thể hướng đến giải pháp tạo hình tử cung.
Có thể phòng ngừa tử cung nhi hóa không?
Rất đáng tiếc khi không có biện pháp phòng ngừa tình trạng nhi hóa tử cung, đặc biệt là những trường hợp bẩm sinh khi sinh ra vốn đã có tử cung bất thường. Cách duy nhất để phát hiện sớm và can thiệp xử trí hiệu quả tình trạng này là chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Trẻ em gái bước vào độ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nếu không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều, kinh thưa, kinh rất ít nên thăm khám sớm để xác định chính xác nguyên nhân. Phụ nữ đã lập gia đình trên 1 năm không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng không có tin vui cũng nên thăm khám sớm để phát hiện sớm nguyên nhân, tránh hậu quả đáng tiếc.
Nguồn: https://tamanhhospital.vn/