Nang naboth cổ tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nang naboth cổ tử cung là gì?

Nang naboth cổ tử cung (Nabothian Cyst) là khối u nang xuất hiện ở bề mặt cổ tử cung. U nang này do biểu mô lộ tuyến tiết chất nhầy nhưng vì lớp tế bào lộ tuyến che lấp nên không thể thoát ra ngoài, kết quả là hình thành nên các khối u nang nhỏ hoặc lớn trên bề mặt cổ tử cung. Người bệnh có thể chỉ có một hoặc có nhiều u nang.

Thông thường, chị em không biết mình bị nang naboth cho đến khi thăm khám phụ khoa hoặc khám vùng chậu và được bác sĩ thông báo cổ tử cung có nang naboth. Tuy nhiên, chị em cũng không cần lo lắng vì u nang này thường lành tính và vô hại. Nang naboth cũng không phải là dấu hiệu cảnh báo của ung thư cổ tử cung. 

hình nang naboth trên cổ tử cung

Nguyên nhân gây nang naboth cổ tử cung

Các tuyến ở cổ tử cung thường xuyên tiết ra chất nhầy, tuy nhiên trong một số trường hợp các tế bào da khỏe mạnh ở cổ tử cung che phủ các tuyến này, tạo ra rào cản giữ lại các chất nhầy bên trong tuyến. Kết quả là khi không thể thoát ra ngoài, chất nhầy sưng lên bên trong tuyến và hình thành u nang naboth.

Phụ thuộc vào lượng chất nhầy bị mắc kẹt bên trong mà khối u nang có thể có đường kính từ vài mm đến 4cm hoặc hơn. Chúng có thể có màu trắng trong hoặc đục, màu vàng nhạt hoặc màu hổ phách. 

Nang naboth cổ tử cung có phổ biến không?

Bác sĩ Giang cho biết nang naboth cổ tử cung là một trong những bất thường vô hại và phổ biến nhất mà các bác sĩ Sản Phụ khoa thường xuyên gặp. Bất kỳ ai có cổ tử cung đều có thể bị u nang naboth. Chị em có nhiều khả năng phát triển những u nang này nếu đang mang thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ. Tuổi sinh đẻ kéo dài từ tuổi dậy thì đến khi bắt đầu mãn kinh, một số trường hợp có thể xảy ra muộn nhất ở độ tuổi 40-50 tuổi.

Phụ nữ có thể phát triển u nang naboth sau khi sinh con hoặc sau khi mãn kinh, tuy nhiên nang naboth phổ biến nhất là ở phụ nữ đã sinh con. Nhiều chị em cho biết họ bị nang naboth khi khám định kỳ sau khi sinh con. Các tế bào da mới ở cổ tử cung phát triển nhanh hơn sau khi phụ nữ sinh con, điều này có thể làm tắc nghẽn các tuyến trong cổ tử cung và hình thành nên u nang naboth.

Ngoài ra, một số tình huống khác có thể ảnh hưởng đến tuyến chảy của cổ tử cung, khiến chúng có khả năng bị tắc nghẽn, cản trở lối thoát ra của chất nhầy ở biểu mô lộ tuyến và tạo ra các u nang.

Chẳng hạn như, sau khi trải qua một chấn thương ở vùng cổ tử cung, các tế bào da ở cổ tử cung sẽ tăng lên sau khi bị chấn thương ở khu vực đó. Các tế bào mới giúp sửa chữa những tổn thương xảy ra ở mô cổ tử cung có thể chặn các tuyến ở cổ tử cung, giữ chất nhầy ở đó và hình thành nên u nang naboth.

Hoặc sau khi cổ tử cung bị viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng, các tế bào da ở cổ tử cung tăng sinh để sửa chữa những tổn thương cũng có thể làm tắc nghẽn các tuyến.

Nang naboth cũng có thể hình thành sau khi chị em mắc bệnh viêm cổ tử cung mạn tính.

Triệu chứng cổ tử cung có nang naboth là gì?

Nang naboth cổ tử cung thường không đau và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, do đó rất có thể chị em sẽ không cảm thấy triệu chứng gì. Tuy nhiên, nang naboth kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như: 

  • Tiết dịch âm đạo bất thường.
  • Đau vùng xương chậu.
  • Chảy máu âm đạo bất thường không trong kỳ kinh.
  • Đau trước, trong và sau khi quan hệ tình dục, thỉnh thoảng có xuất huyết nhẹ.
  • Cảm giác đầy hoặc nặng ở âm đạo, giảm hoặc không còn ham muốn tình dục.

Vì khối u nang này chứa đầy chất nhầy nên có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Khi nang naboth vỡ ra, chị em sẽ thấy dịch tiết âm đạo tiết ra bất thường hoặc có mùi hôi khó chịu. Khi thấy các triệu chứng xảy ra và kéo dài dai dẳng, chị em nên thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ Giang khuyến cáo, khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ bị nang naboth cổ tử cung, chị em hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Nên lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia – bác sĩ Sản Phụ khoa dày dặn kinh nghiệm, có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại để có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Phương pháp chẩn đoán nang naboth cổ tử cung

Nang naboth cổ tử cung thường được phát hiện và chẩn đoán khi thăm khám vùng chậu. Để có kết quả chính xác và cụ thể hơn, bác sĩ có thể chỉ định một số kiểm tra cận lâm sàng như:

1. Siêu âm, chụp MRI hoặc CT

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Khi phát hiện những khối u nang trên cổ tử cung, bác sĩ có thể phá vỡ u nang để xác định chẩn đoán. (4)

2. Soi cổ tử cung

Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật soi cổ tử cung để dễ dàng nhìn thấy những tổn thương bên trong cổ tử cung. Thủ thuật này phóng đại hình ảnh bên trong cổ tử cung, giúp xác định khối u là nang naboth hay vấn đề gì khác.

3. Sinh thiết

Một số trường hợp đặc biệt nghi ngờ chị em có thể mắc một loại u tân sinh ảnh hưởng đến việc sản xuất chất nhầy, bác sĩ có thể lấy mẫu chất lỏng bên trong khối u nang để gửi đến phòng xét nghiệm. Việc kiểm tra chất lỏng giúp xác định chắc chắn khối u nang không phải là u tuyến ác tính – một loại ung thư cổ tử cung hiếm gặp.

Nang naboth cổ tử cung có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp mắc phải nang naboth cổ tử cung là lành tính và không gây biến chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nang naboth kích thước lớn hoặc cổ tử cung có quá nhiều nang naboth có thể chặn cổ tử cung, gây khó khăn cho bác sĩ khi thực hiện kiểm tra cổ tử cung. Nhiều nang naboth lớn có thể làm biến dạng cổ tử cung.

Khi các khối u nang naboth vỡ ra có thể gây nhiễm trùng ở cổ tử cung, viêm nhiễm ngược dòng lên buồng tử cung, buồng trứng dẫn đến viêm vòi trứng, tắc nghẽn vòi trứng… có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

Ngoài ra, các nang naboth kích thước lớn có thể dẫn đến sa sinh dục mặc dù các trường hợp này rất hiếm gặp. Sa sinh dục xảy ra khi các cơ quan vùng chậu như tử cung tụt xuống thấp hơn so với bình thường, gây khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như hoạt động tình dục của chị em. Trong trường hợp này có thể cần phẫu thuật cắt bàng quang để loại bỏ u nang và điều trị chứng sa sinh dục.

Nang naboth có phải là khối u ung thư cổ tử cung?

Nhiều chị em thắc mắc “nang naboth là gì, có phải là ung thư hay không?”. Bác sĩ Giang cho biết nang naboth và ung thư cổ tử cung đều hình thành khối u nang trên cổ tử cung. Nhưng không giống ung thư cổ tử cung, nang naboth cổ tử cung thường vô hại và không cần điều trị.

Có một dạng ung thư cổ tử cung hiếm gặp gọi là u tuyến ác tính có thể trông giống nang naboth. Trong trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết kiểm tra chất lỏng bên trong u nang để chắc chắn đó là nang naboth chứ không phải ung thư.

Nang naboth cổ tử cung có chữa được không?

Nang naboth cổ tử cung thường lành tính, nếu không gây bất cứ triệu chứng gì thường không cần điều trị. Khi phát hiện ra u nang, chị em cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sát sao sự phát triển của u nang, can thiệp kịp thời và hiệu quả trước khi u nang gây ra vấn đề.

Nếu theo dõi thấy nang phát triển quá lớn, gây triệu chứng phiền toái và tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em phác đồ can thiệp điều trị nang naboth cổ tử cung phù hợp, thường là: 

  • Điều trị nội khoa: áp dụng cho những nang naboth kích thước nhỏ, số lượng ít. Bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em dùng thuốc để làm teo các u nang rồi loại bỏ hoàn toàn, đưa cổ tử cung về trạng thái nguyên thủy.
  • Chọc hút nang: áp dụng trong trường hợp các nang phát triển lớn và liên kết thành từng cụm. Bác sĩ sẽ chọc cho dịch thoát ra ngoài để khối u nang teo bớt, tránh tình trạng phát triển quá lớn.
  • Đốt nang naboth: áp dụng trong trường hợp không thể áp dụng điều trị nội khoa và chọc hút. Hiện nay có hai phương pháp đốt nang naboth cổ tử cung là đốt điện và đốt lạnh.

Tùy thuộc vào kích thước và sự phân bố các nang naboth trên cổ tử cung mà bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả.

Phòng ngừa nang naboth cổ tử cung như thế nào?

Không thể ngăn ngừa căn bệnh nang naboth cổ tử cung, nhưng chị em cũng không cần quá lo lắng khi mắc phải căn bệnh này. Điều quan trọng nhất, chị em hãy sắp xếp thời gian khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng/lần để được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Khi có chẩn đoán mắc phải nang naboth, chị em cần tái khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi u nang sát sao, phát hiện sớm những bất thường và can thiệp điều trị hiệu quả.

Nguồn: https://tamanhhospital.vn/

Xem thêm

NỔI BẬT

XEM NHIỀU NHẤT

SỨC KHỎE GIỚI TÍNH

DINH DƯỠNG TÌNH YÊU

CHUYỆN THẦM KÍN

THÌ THẦM YÊU THƯƠNG

CHUYỆN ĐÓ ĐÂY

SẢN PHẨM

FACEBOOK

Facebook-Gexlife

KẾT NỐI

HOTLINE:


0904 77 42 77

1900 2058


Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

COPYRIGHT © 2024 G'EXLIFE®. ALL RIGHTS RESERVED.