Kinh nghiệm khám phụ khoa lần đầu và khi nào nên thực hiện

Khi nào nên đi khám phụ khoa lần đầu?

Theo một số lời khuyên từ các chuyên gia và bác sĩ, nữ giới nên đi khám phụ khoa lần đầu ở độ tuổi từ 13 – 15 tuổi. Đây là độ tuổi chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, có những thay đổi lớn về mặt thể chất, tinh thần và cơ thể. Vì thế việc thăm khám lần đầu vào độ tuổi này sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về các bộ phận phụ khoa, vùng kín và các chức năng của nó. Từ đó, biết cách chăm sóc hiệu quả và toàn diện cho sức khỏe phụ khoa của mình.

Lợi ích của việc khám phụ khoa sớm

Khám phụ khoa sớm không chỉ giúp nữ giới hiểu rõ hơn về các bộ phận bên trong cơ thể mà còn sớm phát hiện những bất thường ở vùng kín, những nguy cơ về bệnh lý nguy hiểm đang tiềm ẩn dưới dạng triệu chứng. Bên cạnh đó, khám phụ khoa sớm còn giúp nữ giới phòng ngừa tình trạng vô sinh, hiếm muộn và điều trị kịp thời, hiệu quả các trường hợp này.

Kinh nghiệm khi đi khám phụ khoa lần đầu tiên

Khi đi khám phụ khoa lần đầu tiên, chị em cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, thoải mái, đồng thời tìm hiểu trước và thực hiện các quy trình bên dưới để quá trình thăm khám diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ.

1. Lựa chọn bệnh viện

Lựa chọn bệnh viện là việc làm cần được ưu tiên thực hiện trước khi nữ giới quyết định đi khám phụ khoa. Chị em có thể dựa vào các yếu tố sau để lựa chọn bệnh viện. Cụ thể:

  • Nên lựa chọn những bệnh viện chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm trong quá trình thăm khám. Điều này giúp cho chị em yên tâm hơn trong lần thăm khám phụ khoa đầu tiên cũng như hạn chế được tình trạng đau đớn khi bác sĩ sử dụng các dụng cụ đưa vào âm đạo để kiểm tra các bộ phận bên trong.
  • Lựa chọn bệnh viện sản phụ khoa uy tín & chuyên sâu, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ xét nghiệm hiện đại, tiên tiến, được vệ sinh và tiệt trùng sạch sẽ giúp cho quá trình thăm khám của nữ giới diễn ra an toàn, tránh được các tình trạng viêm nhiễm đồng thời cho ra kết quả kiểm tra chính xác nhất về tình trạng sức khỏe phụ khoa hiện tại của chị em.
  • Khám vào thời điểm sạch kinh

Nữ giới nên đi khám phụ khoa vào thời điểm sạch kinh, tức là sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt ít nhất từ 3 – 4 ngày. Lúc này các lớp niêm mạc tử cung đã bong tróc cùng máu huyết đã được loại bỏ hoàn toàn ra bên ngoài cơ thể, các bộ phận bên trong vùng kín như âm đạo, âm hộ, tử cung và cổ tử cung được thông thoáng giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và kiểm tra hơn.

2. Dấu hiệu rụng trứng

Chị em hạn chế đi thăm khám phụ khoa vào những ngày “đèn đỏ” hoặc có dấu hiệu chuẩn bị “rụng dâu” vì trong giai đoạn này lượng huyết trắng bên trong cơ thể khá nhiều và thường kéo thành sợi gây khó khăn cho quá trình thăm khám cũng như lấy mẫu để thực hiện xét nghiệm PAP smear (nếu cần).

3. Kiêng quan hệ

Khi có ý định đi khám phụ khoa lần đầu, chị em nên kiêng quan hệ tình dục trước đó ít nhất 2 ngày để tránh tình trạng các tế bào bất thường và vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo sau khi quan hệ. Đồng thời, hạn chế được tình trạng nhầm lẫn giữa tinh dịch của nam giới còn tồn tại trong âm đạo với các tế bào cần dùng để làm mẫu xét nghiệm.

4. Không ăn sáng

Trước khi bắt đầu khám phụ khoa, nữ giới có thể uống một ít nước để cơ thể được duy trì ở mức ổn định nhưng không nên ăn sáng. Bởi lẽ trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm xét nghiệm máu (nếu cần) để phục vụ cho việc chẩn đoán và phân tích tình trạng bệnh lý phụ khoa dựa trên những chỉ số của kết quả xét nghiệm máu.

5. Mặc đồ thoải mái

Chị em nên mặc váy, quần áo thoải mái, dễ cởi, tránh những trang phục quá cầu kỳ, rườm rà… để quá trình thăm khám được nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện và tiết kiệm được thời gian hơn.

Khám phụ khoa lần đầu gồm những gì?

Thông thường, khi lần đầu đi khám phụ khoa, chị em sẽ được các bác sĩ thăm khám theo quy trình từng bước. Cụ thể:

1. Khám bên ngoài

Bác sĩ sẽ quan sát và thăm khám bằng tay để kiểm tra các bộ phận bên ngoài cơ thể của nữ giới như vùng ngực, vú, cơ quan sinh dục nữ (môi lớn, môi nhỏ, gò mu,…) có dấu hiệu bất thường gì hay không.

2. Khám vùng chậu

Bác sĩ sẽ dùng 1 – 2 ngón tay đặt vào âm đạo của nữ giới để kiểm tra vị trí, kích thước của tử cung, hai phần phụ và thăm dò các khối u ở xung quanh (nếu có). Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ chuyên dụng là mỏ vịt đã được tiệt trùng đưa vào âm đạo nữ giới để kiểm tra và quan sát thành âm đạo, tử cung cùng các bộ phận liên quan khác, tiến hành thu thập mẫu bệnh (nếu nghi ngờ) để làm các xét nghiệm kiểm tra. 

Đối với nữ giới chưa quan hệ, bác sĩ chỉ thực hiện thăm khám bên ngoài vùng chậu, kiểm tra vùng mu, phía ngoài âm đạo như môi bé, môi lớn, âm vật,… bằng mắt thường để nhận định các vấn đề.

3. Xét nghiệm

Trong lần đầu đi khám phụ khoa thì hầu hết các bác sĩ sẽ không yêu cầu nữ giới thực hiện các xét nghiệm nếu như không phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Một số xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định thực hiện như: Xét nghiệm Pap smear (PAP – xét nghiệm phết tế bào tử cung) để tầm soát, sàng lọc ung thư cổ tử cung; xét nghiệm HPV giúp tìm kiếm các virus gây nên những biến đổi bất thường của cổ tử cung, làm tăng tình trạng ung thư cổ tử cung và mụn cóc ở bộ phận sinh dục nữ; xét nghiệm nội tiết tố giúp kiểm tra lượng hormone trong cơ thể, nhận biết sớm tình trạng sức khỏe sinh sản của chị em;…..  

Khám phụ khoa lần đầu có đau không?

Khám phụ khoa lần đầu có đau không còn tùy thuộc vào cảm nhận, ngưỡng chịu đau của từng người và phương pháp thăm khám. Nếu chỉ thăm khám bên ngoài thì sẽ không đau nhưng khi thăm khám vùng chậu bằng các dụng cụ chuyên dụng như mỏ vịt, thực hiện siêu âm đầu dò, lấy mẫu tế bào để xét nghiệm thì sẽ có các mức đau khác nhau.

Bên cạnh đó, chị em không nên hoang mang, lo lắng mà hãy thả lỏng cơ thể, giữ tinh thần thoải mái. Điều này sẽ giúp cho các cơ vùng chậu giãn ra, mềm hơn, bác sĩ dễ dàng đưa dụng cụ tiếp cận vào vùng kín, nữ giới sẽ ít đau và ít khó chịu hơn.

Lưu ý sau khi lần đầu đi khám phụ khoa

Sau khi thăm khám phụ khoa lần đầu tiên, nếu chị em gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo thì không nên quá lo lắng mà hãy theo dõi tình trạng này để biết rõ nguyên nhân (có phải do tác động của việc thăm khám), tính chất máu chảy ra (màu sắc, mùi,…), thời gian và lượng máu chảy ra.

Nếu lượng máu chảy ra ít và trong 3 ngày là hết thì đây là tình trạng bình thường, chị em không cần thăm khám. Ngược lại, lượng máu chảy ra với số lượng lớn và nhiều ngày không khỏi, nữ giới nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám lại để được chẩn đoán chính xác tình trạng của bản thân.

Bên cạnh đó, chị em có thể dùng túi chườm nóng chườm lên vùng bụng dưới (nếu bị đau sau khi thăm khám) hay tắm nước nóng để các cơ được thư giãn. Tập các bài tập yoga, bài tập Kegel (bài tập sàn chậu) cũng góp phần giúp các cơ được phục hồi, hạn chế tình trạng đau nhức sau quá trình khám phụ khoa.

Ngoài ra, chị em cần giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng cách sử dụng các dung dịch vệ sinh phù hợp, vệ sinh nhẹ nhàng, tránh thụt rửa sâu âm đạo gây nên tình trạng viêm nhiễm. Không mặc quần áo ẩm ướt, đồ lót quá chật để hạn chế tình trạng bí bách, vi khuẩn có điều kiện phát triển ở vùng kín.

Đối với các trường hợp được chỉ định điều trị các vấn đề về phụ khoa, chị em nên tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc, thay đổi số lượng/ liều lượng thuốc, đổi thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ điều trị. Không quan hệ tình dục để tránh trường hợp viêm nhiễm nặng hơn.

Nguồn: https://tamanhhospital.vn/

Xem thêm

NỔI BẬT

XEM NHIỀU NHẤT

SỨC KHỎE GIỚI TÍNH

DINH DƯỠNG TÌNH YÊU

CHUYỆN THẦM KÍN

THÌ THẦM YÊU THƯƠNG

CHUYỆN ĐÓ ĐÂY

SẢN PHẨM

FACEBOOK

Facebook-Gexlife

KẾT NỐI

HOTLINE:


0904 77 42 77

1900 2058


Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

COPYRIGHT © 2024 G'EXLIFE®. ALL RIGHTS RESERVED.