1. Vai trò của thể dục đối với người bệnh viêm âm đạo
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm dẫn đến tiết dịch có mùi hôi khó chịu, ngứa và đau. Theo chia sẻ của BS.CK2 Huỳnh Thị Thúy Mai - Trưởng khoa Hậu sản B, Bệnh viện Hùng Vương, hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm âm đạo đều có thể chẩn đoán, điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị dứt điểm, nhiễm trùng âm đạo có thể lan đến các cơ quan khác trong vùng chậu, gây tình trạng viêm nhiễm vùng chậu.
Để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm âm đạo, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động phù hợp.
Tập thể dục là một yếu tố quan trọng để cải thiện tình trạng viêm âm đạo. Với tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ giúp cơ thể giải độc và tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp phòng ngừa bệnh tật.
Các động tác thể dục nên được kết hợp với thở sâu để tăng cường hoạt động tuần hoàn ở vùng khung chậu. Ngoài ra, nên tập những động tác cơ bản về hông và mông, nhất là những bài tập thể dục nhịp điệu, tập yoga, thiền… để giảm đau vùng xương chậu và tăng cường sức khỏe của cơ quan sinh sản.
Viêm âm đạo là bệnh nhiều phụ nữ mắc phải.
2. Những bài tập phù hợp với người bệnh viêm âm đạo
2.1. Yoga
Yoga là bộ môn giúp thay đổi và duy trì cân bằng cơ thể từ bên trong, hứa hẹn mang đến nhiều sự thay đổi tích cực cho sức khỏe sinh sản nữ giới. Yoga rất tốt cho các bệnh viêm nhiễm do thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra chúng cũng hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh phụ khoa nặng hơn.
Sau đây là các tư thế yoga tốt cho người bệnh viêm âm đạo:
Tư thế ngả lưng
Ngả lưng giúp giảm căng thẳng và áp lực ở vùng hông, háng- nơi các chấn thương có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Bài tập này được thực hiện như sau:
- Nằm ngửa trên sàn, hai chân mở rộng. Đặt cánh tay ngang hông sao cho lòng bàn tay úp.
- Gập hai đầu gối sang hai bên nhiều nhất có thể, hai lòng bàn chân úp vào nhau. Nằm và thư giãn tư thế này trong 1 phút rồi duỗi thẳng chân để nghỉ. Duy trì thở đều đặn và lặp lại động tác 10 lần.
Tư thế chiến binh
Tư thế chiến binh là bài tập yoga nâng cao sức mạnh ở hông, đùi, bụng. Điều này rất tốt để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, tránh các bệnh viêm nhiễm.
Tư thế chiến binh được thực hiện như sau:
- Đứng thẳng sao cho hai chân rộng hơn vai.
- Khuỵu sâu một chân xuống góc 90 độ, chân còn lại duỗi thẳng. Ấn mạnh gót chân sau xuống để căng phần chân, mông. Đồng thời hai tay dang ngang, mắt nhìn thẳng.
- Mỗi lần khuỵu chân giữ trong tối thiểu 30 giây sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại.
Tư thế em bé
Tư thế yoga này được sử dụng rất phổ biến và không mất nhiều sức lực. Lợi ích là giúp thả lỏng và thư giãn cơ thể, tập trung vào hơi thở để giảm căng thẳng.
Cách thực hiện như sau:
- Quỳ trên sàn sao cho gót chân để dưới mông, đầu gối hơi mở rộng bằng vai.
- Từ từ hạ thấp người xuống, đầu chạm sàn, đồng thời duỗi thẳng hai tay về phía trước. Bạn hãy từ từ cảm nhận phần lưng được duỗi thẳng và thả lỏng
- Giữ nguyên tư thế trong 30 giây và nâng người lên về tư thế ban đầu.
2.2. Bài tập cơ sàn chậu Kegel
Kegel là các bài tập giúp co và thư giãn các cơ sàn chậu. Kegel là bài tập rất tốt cho những bạn bị các triệu chứng són tiểu khi ho, hắt hơi, cười hoặc chạy nhảy hoặc không kiểm soát được đường tiết niệu khi mắc tiểu.
Cách thực hiện bài tập như sau:
- Xác định chính xác khu vực cơ sàn chậu. Cách dễ nhất để làm điều này là ngưng tiểu giữa dòng. Khi đó bạn sẽ xác định được chính xác cơ sàn chậu của mình nằm ở đâu.
- Vào tư thế ngồi quỳ trên sàn, mông đặt lên 2 gót chân. Lưng giữ thẳng.
- Để thực hiện động tác Kegel, bạn chỉ cần hít sâu, co các cơ sàn chậu lại trong vòng 5 giây và sau đó thở ra, thả lỏng các cơ sàn chậu trong 5 giây. Sau đó lặp lại động tác.
- Thực hiện lại động tác 10 lần. Làm 3 lần mỗi ngày.
2.3. Squat - bài tập xương chậu
Squat là động tác yêu cầu sự tham gia của các cơ lớn trong cơ thể. Đây cũng là một trong những động tác giúp cải thiện sức mạnh của cơ thể.
Cách tập:
- Đứng thẳng, chân tách ra hơi rộng hơn vai, ngón chân tách theo hướng chỉa ra ngoài. Nếu sử dụng tạ đòn thì thanh ngang sẽ nằm sau cổ. Nếu sử dụng tạ nhỏ thì tay thẳng với vai, nắm lấy tạ.
- Hơi khuỵu đầu gối, đẩy hông và mông ra phía sau như thể bạn sẽ ngồi lên một cái ghế tưởng tượng. Giữ đầu và cằm nguyên tư thế, không ngẩng lên cũng không cúi thấp.
- Từ từ hạ thấp cho đến khi đùi song song với mặt đất, giữ cho sức nặng cơ thể tập trung ở gót chân, đầu gối hướng ra phía trước.
- Đứng thẳng chân và trở lại tư thế ban đầu.
- Lặp lại động tác 15 lần.
3. Người bệnh viêm âm đạo cần lưu ý gì khi tập luyện?
Thói quen tập luyện cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến vùng kín, khiến người tập phải chịu những tổn thương không đáng có. Các chuyên gia khuyên rằng, người bệnh nên hạn chế các môn thể thao hoặc các bài tập buộc phải cọ xát vùng kín nhiều như đạp xe đạp… Khi áp dụng các bài tập này, vùng kín sẽ phải cọ xát liên tục và chịu áp lực do trọng lực phần trên cơ thể dồn xuống phía dưới.
Hãy bổ sung nước đầy đủ, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước rất lớn do quá trình bài tiết mồ hôi diễn ra trong lúc luyện tập. Khoảng 30 phút sau giờ luyện tập, hãy cung cấp cho cơ thể từ 250 - 500ml để bảo vệ sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe vùng kín nói riêng.
Trong thời gian tập thể dục, các bộ phận của cơ thể thường cảm thấy đau, chẳng hạn như vùng bụng dưới, khớp, lưng, bắp cơ… Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng tập thể dục có thể giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn, nhưng vì đặc điểm và chu kỳ sinh lý của phụ nữ nên nếu tập thể dục không đúng cách hay quá độ sẽ phản tác dụng, thậm chí dẫn đến một số bệnh.
4. Khi nào thì nên ngừng tập thể dục?
Nên ngừng tập thể dục khi bạn thấy có những dấu hiệu sau:
Cảm thấy chóng mặt, tim đập nhanh, đau ngực, hơi thở ngắn… Vì đó là dấu hiệu cường độ tập của bạn quá cao khiến nhịp tim tăng quá mức thông thường. Thấy ớn lạnh, nhức đầu, các cơ ê ẩm và nóng hừng hực… Khi các triệu chứng này xảy ra cùng lúc thì đó là cảnh báo cơ thể bạn đang suy yếu, cần phải điều hòa và nghỉ ngơi.
Bạn có thể bị chấn thương nếu không cẩn thận trong lúc tập, tập sai động tác hay tập luyện quá sức. Với nguyên nhân nào đi nữa thì khi bị chấn thương bạn cũng nên ngừng việc tập luyện ngay. Tiếp đó là nên đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị cho đến khi hoàn toàn bình phục.
Có khoảng hơn 60% chị em phải chịu đựng những cơn đau bụng kinh, đau lưng, choáng hay mệt mỏi…. Tốt nhất là nên để cho cơ thể bạn nghỉ ngơi trong kỳ nguyệt san và trở lại với tập luyện khi nguyệt san kết thúc.
Thực hiện các bài tập có cường độ mạnh như chạy hoặc nhảy mà không chú ý đến hình thức phù hợp có thể khiến khớp bị căng quá mức, dẫn đến chấn thương như bong gân hoặc căng cơ. Điều cần thiết và quan trọng là lắng nghe cơ thể mình, điều chỉnh cường độ và thói quen tập luyện cho phù hợp. Nếu có điều gì đó không ổn hoặc gây khó chịu trong quá trình tập, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tránh bị thương thêm.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/