1. Những triệu chứng của mất ngủ, ngủ không sâu giấc
Một giấc ngủ khoa học cho người có độ tuổi từ 20 trở thường rơi vào khoảng trung bình 7-8 tiếng mỗi ngày, đối với trẻ em cần từ 8-10 tiếng và người có tuổi cần tối thiểu 4 tiếng. Phải ngủ đủ giấc và sâu thì khi tỉnh dậy mới cảm thấy sảng khoái, đầy đủ năng lượng để làm việc cho một ngày.
Người ngủ không sâu, bị mất ngủ có thể dễ dàng nhận biết qua một số đặc điểm điển hình như: Trằn trọc, khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, hay tỉnh giấc một hoặc nhiều lần trong đêm và rất khó để ngủ lại. Tình trạng này cũng có thể xảy ra vào ban ngày đối với người phải thường xuyên thức đêm và ngủ lại vào ban ngày.
Thời gian diễn ra tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc tùy thuộc vào lịch trình sinh hoạt của mỗi người. Người mắc chứng không ngủ sâu có thể chỉ thức dậy trong thời gian ngắn hạn sau đó ngủ tiếp được ngay hoặc một số trường hợp cũng có thể mất khá nhiều thời gian để lấy lại giấc. Ngoài ra, triệu chứng ngủ không sâu giấc còn thể hiện qua trạng thái ngủ chập chờn, nửa tỉnh nửa mê hoặc mơ nhiều.
Có nhiều trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ khó nhận biết được tình trạng ngủ không sâu giấc. Nguyên nhân là do những người mắc hội chứng này sẽ thấy xuất hiện những lần thở hụt hơi lặp đi lặp lại và làm gián đoạn tới giấc ngủ ban đêm. Trong khi đó, những kích thích hô hấp này thường diễn ra trong thời gian ngắn và ở mức độ nhẹ nên rất khó nhận ra. Đôi khi, người bệnh này chỉ có thể nhận biết tình trạng ngủ không sâu giấc khi cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
2. Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ
Vì sao một số người có giấc ngủ không sâu, thậm chí là mất ngủ? Những nguyên nhân chính bao gồm:
- Căng thẳng và lo âu về tinh thần: đây là lý do chính khiến đa số người trưởng thành cảm thấy khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ. Những áp lực này có thể đến từ công việc, chuyện tình cảm, kinh tế, gia đình, hay sang chấn tâm lý vì một lí sự kiện đột ngột (người thân qua đời, mất việc,...).
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt: mỗi người đều có một bộ đồng hồ sinh học và sự mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ăn quá nhiều hoặc quá khuya sẽ tăng nguy cơ trào ngược dạ dày góp phần ợ chua gây khó chịu. Việc đi ngủ không đúng giấc, ngủ trưa quá mức hay sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ cũng dẫn đến dễ mất ngủ hơn.
- Tác dụng phụ của thuốc, chất kích thích: một số thuốc điều trị huyết áp, dị ứng có khả năng gây mất ngủ cho người dùng. Những chất kích thích như trà, cà phê, nicotine trong thuốc lá cũng góp phần cho hiện tượng này.
- Tuổi tác, thế chất: người lớn tuổi thường có giấc ngủ ngắn hơn, dễ giật mình. Cũng như khi càng lớn tuổi, nếu kén vận động sẽ làm cơ thể uể oải, ngủ trưa nhiều hơn gây mất giấc.
3. Giấc ngủ không sâu và cách chữa hiệu quả
Những cách chữa mất ngủ không dùng thuốc bao gồm:
- Điều trị tâm lý: Một trong những cách chữa ngủ không sâu giấc đó là điều trị tâm lý. Người bệnh có thể tìm gặp các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ, đưa ra giải pháp giúp tâm lý thoải mái hơn. Có thể kết hợp việc thư giãn như làm điều mình thích, chia sẻ tâm sự với gia đình bạn bè để giải tỏa căng thẳng.
- Điều trị vật lý: Khoa học chứng minh rằng 85% người tập yoga cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn, các bài tập yoga thường được áp dụng tại nhà có thể kế đến tư thế đặt chân lên tường, tư thế trẻ em, tư thế đầu gối và tư thế con mèo. Ngoài ra, những phương pháp Y học cổ truyền như châm cứu và bấm huyệt cũng góp phần xoa dịu con đau mỏi toàn thân mà còn giúp xua tan căng thẳng, đầu óc thoải mái. Massage cũng có tác dụng kích lưu thông máu não, giúp cải thiện giấc ngủ. Cuối cùng, người khó ngủ có thể ngâm chân từ 10-15 phút trong thau nước khoảng 40-50 độ. Để phát huy công dụng ngâm chân, bạn nên chọn tư thế ngồi êm ái, duỗi chân thả lỏng tự nhiên, ghế tựa êm ái để nước ấm tác động lên huyệt đạo, giúp máu lưu thông lưu thông tốt hơn.
- Thay đổi thói quen hoạt động, ăn uống của bản thân: Người mất ngủ nên ăn thêm những loại thực phẩm như sữa chua, cá, chuối, hạt sen, cái bó xôi, trứng. Bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, như Vitamin A, Vitamin D, Vitamin B12, Vitamin C, Vitamin E, Sắt, Magie, Kali. Hạn chế ăn nhiều đường, uống rượu bia, trà và cà phê vào buổi chiều hoặc tối. Không ăn quá no vào buổi tối, đặc biệt là đồ cay và nhiều chất béo. Đặc biệt phải tập thói quen ngủ đúng giờ, không ngủ trưa quá nhiều để ban đêm dễ đi vào giấc ngủ sâu, khi tỉnh dậy sẽ sảng khoái và tràn đầy năng lượng.
Trên đây là những cách chữa ngủ không sâu giấc bằng các phương pháp không dùng thuốc. Hy vọng với những phương pháp trên đây sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng và có một cơ thể khỏe mạnh hơn.
Nguồn: https://www.vinmec.com/