1. Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là gì?
Xuất huyết não màng não ở trẻ sơ sinh là tình trạng một mạch máu não bị vỡ, rò rỉ gây thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào nhu mô não, gặp nhiều ở trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi. Với trẻ sơ sinh, xuất huyết não thường gây ra ở lớp màng xương sọ. Các nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết não ở trẻ sơ sinh gồm có:
- Trẻ sinh non: có tới 15-20% trẻ sinh non, dưới 32 tuần tuổi hoặc cân nặng dưới 1500 g bị xuất huyết vùng mầm hoặc trong não thất
- Các yếu tố nguy cơ gây xuất huyết như ngạt, chấn thương, hồi sức phòng sinh kéo dài, giảm oxy máu, tăng hoặc giảm CO2 máu, toan chuyển hoá, co giật, viêm ruột hoại tử
- Nguyên nhân do mẹ: dùng thuốc chống đông, viêm màng ối làm tăng nguy cơ xuất huyết não ở trẻ
- Thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh gây rối loạn đông máu, cơ thể dễ chảy máu. Các nhóm nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ có thể là do mẹ ăn uống không đầy đủ, kiêng khem quá mức khi mang thai hoặc trẻ không tổng hợp đủ vitamin K. Một vài trường hợp khác là do tác dụng phụ của thuốc mà mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai (isoniazid, rifampicin, barbiturat hoặc nhiễm dioxin trong thời kỳ mang thai)
2. Chẩn đoán xuất huyết não ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Chẩn đoán xuất huyết não ở trẻ sơ sinh dựa vào các yếu tố sau:
- Tiền căn sản khoa: trẻ đẻ non, cân nặng lúc sinh thấp, sinh ngạt, sang chấn sản khoa, không tiêm vitamin K lúc sinh, sử dụng một số loại thuốc thai kỳ như: phenobarbital, chống đông,...
- Hội chứng thiếu máu cấp: da xanh, niêm mạc nhạt
- Hội chứng não - màng não: co giật, rên, thóp căng phồng, li bì, hôn mê, giảm vận động
- Hemoglobin máu < 70 g/l, máu đông kéo dài > 7 phút, tỷ lệ prothrombin giảm
- Chọc dịch não tuỷ ra dịch màu đỏ không đông, dịch hồng, dịch vàng, tế bào bình thường
- Siêu âm não qua thóp, chụp cắt lớp vi tính cho thấy các vị trí chảy máu não như dưới màng cứng, dưới màng nhện, ổ máu tụ trong não, chảy máu trong não thất.
3. Các biến chứng khi trẻ sơ sinh bị xuất huyết não
Trẻ sơ sinh bị xuất huyết có tỷ lệ tử vong rất cao, rơi vào khoảng 25-45%. Những trẻ sống sót cũng bị tổn thương thần kinh nặng, để lại nhiều di chứng nặng nề. Các di chứng sau xuất huyết não của trẻ rất nghiêm trọng và khó phục hồi như:
- Liệt vận động
- Động kinh
- Chậm phát triển tinh thần
- Trẻ bị tàn tật suốt đời, ứ nước não thất
Nguy hiểm hơn cả là có cả các trường hợp trẻ sơ sinh xuất huyết não không có biểu hiện sớm và rõ ràng và chỉ phát hiện khi đã có biến chứng nặng, không thể hồi phục.
4. Dự phòng xuất huyết não ở trẻ như thế nào?
Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh có thể chủ động phòng ngừa bằng cách các thai phụ chú ý chăm sóc sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai. Những thực phẩm giàu vitamin K cần bổ sung là thịt bò, thịt lợn nạc, trứng gà, ngũ cốc, rau xanh, trứng gà, sữa,... Nếu mẹ có dấu hiệu thiếu vitamin K, có thể tiêm bắp 5 mg vào 2 tuần cuối trước khi sinh.
Sau khi sinh, trẻ vẫn nhận vitamin K từ mẹ thông qua sữa mẹ nên cũng vẫn cần đảm bảo lượng dinh dưỡng phù hợp trong thời gian này. Các chuyên gia khuyến cáo có thể bổ sung vitamin K cho tất cả các trẻ sơ sinh theo 1 trong 2 cách sau:
- Tiêm bổ sung vitamin K: 1 mũi vitamin K1 (1 mg) hoặc vitamin K3 (2 mg)
- Uống bổ sung vitamin K: trẻ sơ sinh có thể uống 3 lần, sau khi sinh, lúc 7 ngày tuổi và 1 tháng tuổi. Liều bổ sung là 2 mg.
Trên đây là những thông tin quan trọng về tình trạng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên tham khảo để lựa chọn được cách chăm sóc cũng như hướng xử lý phù hợp.
Nguồn: https://www.vinmec.com/