1. Như thế nào là chậm nói ở trẻ nhỏ?
Phát triển ngôn ngữ là một trong những giai đoạn bình thường trong quá trình một đứa trẻ lớn lên. Thông thường, quá trình này sẽ trải qua các giai đoạn:
● 3 - 6 tháng: trẻ bắt đầu có phản xạ với tiếng nói, chẳng hạn như: nhìn người nói chuyện một cách chăm chú, quay về phía có âm thanh, có thể nói được những nguyên âm, chữ đơn giản như: a, ba, bà,...
● 6 - 9 tháng: bắt đầu nói được nhiều âm hơn, chẳng hạn da da, ma ma,...
● 9 - 12 tháng: có thể phát ra chuỗi âm thanh nhưng không rõ về từ ngữ. Cho tới khoảng 11 tháng tuổi, trẻ có thể sẽ nói được vài từ đơn khá rõ như: măm, bố, bà,....
● 12 - 18 tháng: có thể nói được những từ phức, dài hơn, cho tới 18 tháng thì có thể ghép các từ, bắt đầu nói câu theo trật tự khá hoàn chỉnh, có khả năng biết các bộ phận cơ thể, nhìn tranh gọi tên con vật.
● Đến 2 - 3 tuổi: biết tự nói chuyện, nói với người khác những câu phức tạp hơn, biết đặt câu hỏi,...
Càng lớn, khả năng ngôn ngữ của trẻ càng phát triển, nói câu dài, đúng âm điệu.
Ở các trẻ có trình tự này diễn ra với tốc độ chậm hơn thì được coi là chậm nói.
2. Những dấu hiệu được xem là biểu hiện của việc trẻ chậm nói
Tùy từng độ tuổi mà hiện tượng này cũng biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như:
Với trẻ 3 - 4 tháng
Không có phản ứng đối với tiếng động mạnh, không biết bắt chước các âm thanh, không phát ra âm thanh.
Với trẻ 7 tháng
Vẫn tiếp tục không phản ứng với những tiếng động mạnh.
Khoảng 12 tháng
● Thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh.
● Không có phản ứng khi được gọi.
● Không biết nói dù là từ đơn giản như bà, ba.
● Không biết gật đầu đồng ý, lắc đầu từ chối, không thích sử dụng âm thanh hoặc cử chỉ để có được điều mình muốn.
Đến 15 tháng tuổi
● Vẫn không nói mà dùng tay chỉ khi được hỏi.
● Không biết chủ động đòi hỏi, không nói được rõ ràng một từ nào.
● Không hiểu, không phản ứng với những từ, câu đơn giản, thường gặp nhất.
18 - 23 tháng tuổi
● Không phân biệt được các bộ phận cơ thể khi được hỏi.
● Không nói rõ ràng các từ đơn giản, không tiếp thu được từ mới.
● Không hiểu được những câu đơn giản, không phản ứng khi được hỏi.
24 tháng tuổi
● Chỉ nói được câu ngắn, không tự nói được ý muốn mà chỉ đơn thuần nhắc lại lời người khác.
● Không thể thực hiện những cuộc nói chuyện đơn giản, không hiểu về các chỉ dẫn.
● Thường không tự chơi và nếu được hỏi, không biết chỉ vào tranh và gọi tên con vật, đồ vật.
Từ 25 - 35 tháng
● Không nói được những câu dù là đơn giản, ngắn gọn.
● Không biết đặt câu hỏi.
● Dù được hướng dẫn, dạy bảo, cũng không thể nhớ được những bài thơ, bài hát ngắn.
Trẻ 3 - 4 tuổi
● Không thể ghép từ thành câu.
● Khó khăn để phát ra âm thanh, thường lắp bắp hoặc nói ú ớ, khiến ngay cả những người thân cũng không hiểu được.
● Không thích xem sách, truyện.
● Muốn có bố mẹ bên cạnh và không có hứng thú chơi với bạn khác.
Khi chậm nói, trẻ ít quan tâm đến thế giới xung quanh
3. Những nguyên nhân nào có thể khiến cho trẻ chậm nói?
Chậm nói ở trẻ nhỏ có thể do 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới, đó là:
● Thực thể: do trẻ bị bệnh hoặc có bất thường ở cơ quan phát âm (tai, mũi, họng) hoặc não (di chứng của xuất huyết não, viêm màng não hoặc dị tật bẩm sinh,...). Với trẻ tự kỷ, nói khó, chậm nói cũng là một trong những dấu hiệu song không phải cứ chậm nói là tự kỷ.
● Dính thắng lưỡi: là hiện tượng mang tính bẩm sinh, xảy ra với khoảng 5% trẻ. Dây thắng lưỡi ngắn không chỉ gây khó khăn, khiến trẻ chậm nói mà còn khó bú.
● Tâm lý: Với những gia đình quá cưng chiều con hoặc cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian quan tâm, tiếp xúc, chuyện trò với con, có thể khiến bé chậm nói. Một số trẻ gặp cú sốc hoặc biến cố tâm lý cũng có thể dẫn tới chậm nói.
Một trường hợp khác nữa là có những trẻ nói chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng không phải do hai nguyên nhân trên mà chỉ là hiện tượng mang tính tạm thời. Lúc này bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ cách khắc phục tại nhà.
4. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ chậm nói?
Cha mẹ, những người thân bên cạnh cần quan tâm nhằm phát hiện dấu hiệu chậm nói ở trẻ nhỏ sớm để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Như trên đã nói, có những trường hợp chậm nói chỉ mang tính tạm thời, không cần thiết can thiệp y tế. Tuy nhiên, chỉ các bác sĩ, chuyên gia mới có thể đánh giá đúng mức độ tình trạng của từng trẻ.
Vì thế, khi thấy con có biểu hiện nghi ngờ, nên đưa đi khám. Tùy trường hợp, độ tuổi mà bác sĩ có thể tư vấn, hướng dẫn cha mẹ khắc phục tại nhà, kết hợp với chuyên gia tâm lý, ngôn ngữ hoặc hình thức can thiệp khác.
Trường hợp thính lực có vấn đề như thủng màng nhĩ, viêm tai dẫn tới điếc nhẹ hoặc trung bình, việc phẫu thuật có thể cải thiện khả năng nghe để thúc đẩy khả năng nói. Nếu trẻ có biểu hiện tự kỷ, có thể cần đến chuyên gia tâm lý.
Ngoài ra, dù là nguyên nhân nào, cha mẹ cũng nên thay đổi một số thói quen để cải thiện tình trạng cho con, chẳng hạn:
● Kiên trì nói chuyện với con nhiều, bắt đầu bằng những từ ngắn, đơn giản, có thể kết hợp với động tác.
● Nói với tốc độ chậm và rõ ràng, khi nói, nên để trẻ có thể nhìn rõ biểu cảm gương mặt, khuôn miệng cha mẹ.
● Bắt chước giọng điệu của trẻ và buộc trẻ phải nói nhiều hơn, ví dụ: để đồ ở vị trí trẻ có thể thấy nhưng không lấy được và dạy trẻ cách đưa yêu cầu.
● Hạn chế tối đa việc cho trẻ dùng thiết bị điện tử.
Nguồn: https://medlatec.vn/